HÀM TÂN - 40 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, huyện Hàm Tân được hoàn toàn giải phóng vào ngày 22/4/1975. Sau 40 năm xây dựng lại quê hương, Hàm Tân đã có những bước phát triển đáng tự hào.

1. Những năm đầu xây dựng lại quê hương:

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Hàm Tân cùng với cả nước bắt tay khắc phục những hậu quả nặng nề, tập trung hàn gắn những vết thương do chiến tranh để lại, ra sức xây dựng quê hương. Tháng 11/1975, huyện Hàm Tân (cũ) được thành lập từ sự sáp nhập huyện Hàm Tân, huyện Nghĩa Lộ và thị xã Lagi.

Trong 10 năm đầu tiến hành công cuộc cải tạo và xây dựng quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, Đảng bộ huyện đã phát huy được tinh thần tự lực tự cường, tập trung lãnh đạo xây dựng chính quyền cách mạng, sớm ổn định đời sống nhân dân, khôi phục kinh tế, phát triển công thương nghiệp, đẩy mạnh phong trào hợp tác hoá, cải tạo ruộng đất, tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, giãn dân làm kinh tế mới, khai thác tiềm năng lao động, tài nguyên đất đai, rừng, biển, phát huy sức sáng tạo của nhân dân... Nhờ đó đã được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, lúc này chúng ta cũng mắc không ít sai lầm, nên việc phát triển kinh tế - xã hội còn rất hạn chế. Sản xuất nông nghiệp chủ yếu trồng lúa, khai thác hải sản và trồng rừng. Năng suất, sản lượng lương thực thấp, hệ thống thuỷ lợi yếu kém, thâm canh lạc hậu, hoa màu, chăn nuôi sụt giảm, nên có những lúc thiếu lương thực, thực phẩm một cách căng thẳng; năng lực đánh bắt, nuôi trồng thuỷ, hải sản tăng không đáng kể; ngành công nghiệp nhỏ lẻ, chủ yếu sản xuất nước đá, nước mắm, cơ khí sửa chữa, thủ công mỹ nghệ; kết cấu hạ tầng rất yếu kém, giao thông đi lại hết sức khó khăn; nguồn điện chỉ đủ cung cấp cho thị trấn Lagi và một số khu vực lân cận. Nhìn chung mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội còn hết sức nghèo nàn, an ninh trật tự có nhiều diễn biến phức tạp.

2. Ngọn gió mới thắp sáng quê hương:

Năm 1986, Hàm Tân cùng cả nước bước vào thời kỳ đổi mới. Đảng bộ Hàm Tân đã vận dụng đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng, thể hiện được tính năng động, sáng tạo, lãnh đạo nhân dân khắc phục khó khăn, khai thác, phát huy tốt các nguồn lực để phát triển. Cơ chế tập trung quan liêu bao cấp được xoá bỏ, sức sản xuất được giải phóng, tạo động lực cho các ngành kinh tế phát triển. Diện tích gieo trồng, sản lượng lương thực, tổng đàn gia súc gia cầm hàng năm tăng nhanh, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, giống mới vào sản xuất ngày càng phổ biến, hình thành nhiều trang trại với quy mô lớn ở Tân Thắng, Tân Minh; nhiều vùng đất đồi, hoang hoá, bạc màu được cải tạo, hình thành được một số vùng chuyên canh, trồng cây công nghiệp, cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao. Thuỷ hải sản được xác định là kinh tế mũi nhọn, được tập trung đầu tư. Từ năm 1990 trở về sau, ngư dân tự bỏ vốn đóng mới hàng trăm tàu thuyền công suất lớn, vươn ra đánh bắt xa bờ; một số vùng ven biển trở thành nơi nuôi trồng thuỷ sản cho giá trị kinh tế lớn. Hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư, năng lực giao thông vận tải tăng mạnh. Năm 1995, ngành điện đưa vào vận hành đường dây 35 KV Phan Thiết – Hàm Tân và Trạm biến áp 35/15 KV – 2,5 KVA, lưới điện bắt đầu được phủ rộng.

Qua 4 nhiệm kỳ đại hội Đảng bộ huyện (1986 - 2005), Hàm Tân đã tạo ra sức chuyển biến tích cực. Nền kinh tế của huyện có mức tăng trưởng khá, giai đoạn 1986 – 2000 GPD tăng bình quân 7,7%/ năm, giai đoạn 2001 – 2005 GDP tăng bình quân 11,8%/ năm, GDP bình quân đầu người tăng 9,5%. Đời sống văn hoá – xã hội có những chuyển biến nhanh chóng: Tỉ lệ hộ nghèo giảm từ 17,25% năm 2000 xuống còn 6% năm 2005, tỉ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm từ 30% năm 2000 xuống còn 19% năm 2005; hệ thống trường, lớp, số lượng học sinh các cấp học đều tăng hơn 2 lần so với năm 1990, tỉ lệ học sinh ra lớp bình quân hàng năm đạt trên 98%. Các phong trào văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao phát triển sôi động. Quốc phòng an ninh được củng cố vững chắc.

3. Chặng đường mới – đi lên từ gian khó:

Ngày 05/9/2005, Chính phủ ban hành Nghị định số 114 về việc thành lập Thị xã Lagi trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính huyện Hàm Tân. Kể từ ngày 01/12/2005 đơn vị hành chính huyện Hàm Tân (mới) chính thức được thành lập. Lúc này, trung tâm kinh tế, văn hoá của huyện Hàm Tân (cũ) thuộc về thị xã Lagi. Do vậy, Đảng bộ và nhân dân huyện Hàm Tân (mới) lại phải đối mặt với muôn vàn khó khăn bởi đặc thù của một huyện thuần nông, có điểm xuất phát thấp về mọi mặt; đội ngũ cán bộ thiếu, điều kiện làm việc khó khăn, tạm bợ, phân tán. Song, được sự quan tâm của Trung ương, của Tỉnh và các nguồn lực khác, cộng với ý chí quyết tâm, tinh thần đoàn kết, cộng đồng trách nhiệm, nỗ lực vượt khó của đội ngũ cán bộ và của các tầng lớp nhân dân, Hàm Tân tiếp tục gặt hái được nhiều thành quả rất đáng phấn khởi.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; các ngành sản xuất tăng trưởng khá. Bản đồ công nghiệp, du lịch, thương mại, dịch vụ từ chỗ chưa có gì đáng kể đang dần hình thành rõ nét hơn. Hiện nay trên địa bàn huyện có 14 nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng, 01 nhà máy luyện xỉ titan với công suất thiết kế 24.000 tấn xỉ và 12.000 tấn gang mỗi năm; đã quy hoạch Khu công nghiệp Sơn Mỹ 1, Sơn Mỹ 2, Khu công nghiệp Tân Đức; Cụm công nghiệp Nghĩa Hoà, Cụm Công nghiệp Thắng Hải 1, Thắng Hải 2; đặc biệt Cụm công nghiệp Thắng Hải 1 đã bắt đầu đi vào hoạt động. Toàn huyện có 22 dự án đầu tư du lịch với tổng diện tích trên 1.269 ha, một số dự án đang từng bước đi vào hoạt động. Nông nghiệp có chuyển biến tích cực, đã hình thành một số vùng chuyên canh các loại cây ăn trái, cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao, hình thành 30 trang trại chăn nuôi. Nguồn nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt dần chủ động từ hồ chứa nước Sông Dinh 3, đập dâng Sông Phan được đầu tư hơn 1 nghìn tỉ đồng.

Hệ thống kết cấu hạ tầng được tăng cường đầu tư nâng cấp, mở rộng khá đồng bộ. Từ năm 2011 đến 2014 đã phát triển mới, cải tạo hệ thống lưới điện hơn 108 km đường dây trung thế, 72 km đường dây hạ thế, 61 trạm biến áp với tổng kinh phí đầu tư trên 75 tỷ đồng, nâng tỷ lệ hộ sử dụng điện lưới quốc gia lên trên 99%. Từ 2006 đến nay đã nâng cấp, xây dựng mới gần 90 km đường giao thông, nhiều tuyến đường được thảm bê tông nhựa, nhiều cây cầu được làm bê tông cốt thép vĩnh cửu, nhất là trên các tuyến huyết mạch QL1A, QL55, ĐT720. Phong trào phát triển giao thông nông thôn “nhân dân làm, nhà nước hỗ trợ” từ năm 2011 đến nay đã thực hiện 154 tuyến/ 52 km với tổng giá trị gần 54 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 17,5 tỷ đồng.

Thu ngân sách hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu tỉnh giao, là một trong những địa phương dẫn đầu toàn tỉnh về vượt thu ngân sách. Tổng thu năm 2014 tăng gấp 20 lần so với năm 2006.

Các lĩnh vực văn hoá - xã hội có nhiều tiến bộ rõ nét. Từ năm 2006 đến nay đã tập trung đầu tư xây dựng mới, sửa chữa trên 280 phòng học, phòng chức năng cho hàng loạt trường học từ mầm non đến THCS, THPT theo hướng đạt chuẩn quốc gia, với tổng vốn gần 140 tỷ đồng. Đến nay toàn huyện có 7 trường đạt chuẩn quốc gia. Cơ sở vật chất và trang thiết bị ngành y tế cũng được quan tâm đầu tư xây mới, bổ sung, nâng cấp, đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh cho nhân dân. Bệnh viện huyện được xây dựng mới với quy mô 120 giường, toàn huyện có 13 cơ sở y tế/ 197 giường, tăng gần 2,4 lần số giường so với năm 2010.

Các phong trào thi đua trong nhân dân ngày càng phát triển sâu rộng, đặc biệt là phong trào chung sức chung lòng xây dựng nông thôn mới, phong trào phát triển giao thông nông thôn, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, khuyến học, khuyến tài... Hàng năm có từ 98% trở lên gia đình đăng ký xây dựng GĐVH, trong đó có trên 86% đạt chuẩn GĐVH. Số thôn, khu phố văn hoá ngày càng tăng, đến nay đã có 38/ 52 thôn, khu phố đạt và giữ vững danh hiệu thôn, khu phố văn hoá; có nhiều thôn, khu phố giữ vững danh hiệu văn hoá 5 đến 9 năm liền.

Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng nâng lên; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 323 USD năm 2006 lên 1.356 USD năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh từ 17,22% năm 2006 xuống còn 6,86% năm 2014. Cơ bản xoá nhà ở tạm bợ, dột nát. Trong 10 năm huyện đã xây dựng 1.464 căn nhà tình thương, 185 căn nhà tình nghĩa, với tổng giá trị trên 27,4 tỷ đồng. Dân sinh, kinh tế vùng đồng bào DTTS có nhiều khởi sắc, hộ nghèo giảm từ 58,9% năm 2011 xuống còn 27,36% năm 2014. Các chính sách an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa được quan tâm chăm lo chu đáo, tạo được sự an tâm, tin tưởng của nhân dân đối với chế độ, với Đảng và Nhà nước.

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ, công chức được chăm lo củng cố, ngày càng hoàn thiện, trong sạch, vững mạnh hơn, đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong những năm qua. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố, mở rộng, dân chủ ở cơ sở được phát huy.

An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được cải thiện đáng kể. Quốc phòng, an ninh được giữ vững. Các chính sách hậu phương quân đội, đền ơn đáp nghĩa được chú trọng thực hiện đầy đủ, kịp thời.

4. Nhiều kỳ vọng trên con đường phía trước:

Trong suốt chặng đường 40 năm hoà bình, xây dựng và phát triển, Hàm Tân rất tự hào về những thành tựu đạt được, đặc biệt là trong gần 10 năm qua, đã làm cho bộ mặt của huyện, đời sống của nhân dân có những thay đổi quan trọng. So với những năm 1980, diện mạo của Hàm Tân giờ đã khác rất xa, giàu đẹp hơn nhiều. Nhưng thực tế Hàm Tân vẫn là một huyện miền núi nghèo, kinh tế kém phát triển, hệ thống kết cấu hạ tầng còn thiếu và yếu so với nhiều địa phương khác trong tỉnh; tiềm năng, lợi thế của huyện chưa được khai thác, phát huy đúng mức, khả năng nội lực còn hạn hẹp; đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, thu nhập thấp, tỉ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn cao; các thiết chế văn hoá, đời sống tinh thần của nhân dân còn nghèo nàn… Do đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hàm Tân còn rất nhiều việc phải tiếp tục nỗ lực bền bĩ, lâu dài để phát triển đi lên trên con đường phía trước.

Hàm Tân có lợi thế lớn về đất và người: Là cửa ngõ giao thương của tỉnh trong với vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ; có tiềm năng lớn về năng lượng, khoáng sản, nông – lâm – thủy sản, du lịch biển; có Khu Công nghiệp Tân Đức đã được Chính phủ quy hoạch; Khu Công nghiệp Sơn Mỹ được tỉnh xác định là một “trung tâm năng lượng điện khí” lớn; Đảng bộ, nhân dân Hàm Tân giàu truyền thống cách mạng, chịu thương chịu khó, cần cù, sáng tạo, nghĩa tình; những thành tựu kinh tế - xã hội và những bài học kinh nghiệm quý báu được đúc kết 40 năm qua đã và đang trở thành nguồn sức mạnh nội lực quan trọng. Đồng thời, trong không khí chuẩn bị Đại hội đảng cấp cơ sở và đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ X (nhiệm kỳ 2015 – 2020), hướng tới đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; các thế hệ các bộ, chiến sĩ, các tầng lớp nhân dân đang đặt nhiều kỳ vọng, gửi gắm nhiều niềm tin vào tương lai phát triển tươi đẹp, giàu mạnh hơn của quê hương Hàm Tân./.


Các tin khác