Giải pháp nâng cao chất lượng tự phê bình và phê bình trong đội ngũ cán bộ, đảng viên

          Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: Phê bình mình (tự phê bình) và phê bình người để cùng tiến bộ. Phê bình trở thành chế độ, nguyên tắc trong sinh hoạt đảng. Người chỉ rõ: “Mỗi cán bộ, đảng viên mỗi ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt. Được như thế thì trong Đảng sẽ không có bệnh mà Đảng sẽ mạnh khỏe vô cùng”, “Tự phê bình và phê bình là thứ vũ khí sắc bén nhất, nó giúp cho Đảng ta mạnh và ngày càng thêm mạnh. Nhờ đó mà chúng ta sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm, tiến bộ không ngừng”.

          Những năm qua, cán bộ đảng viên huyện Hàm Tân đều coi tự phê bình và phê bình trở thành sinh hoạt thường xuyên, nhiều cán bộ, đảng viên chấp hành tốt chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên nhận thức chưa đầy đủ, chưa thực hiện tốt tự phê bình và phê bình, thiếu phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện nên vi phạm phải xem xét, xử lý kỷ luật về Đảng, hành chính, pháp luật.

          Để nâng cao chất lượng tự phê bình và phê bình trong cán bộ, đảng viên, cần thực hiện tốt các giải pháp sau:

          Thứ nhất, tổ chức học tập, quán triệt nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên ý thức trách nhiệm của việc tự phê bình và phê bình. Kết hợp chặt chẽ tự phê bình và phê bình trong Đảng với phê bình của quần chúng nhân dân. Động viên nhân dân tích cực tham gia đóng góp ý kiến và phát huy tốt vai trò của các cơ quan thông tin đại chúng trong tuyên truyền tự phê bình và phê bình.

          Thứ hai, các cấp ủy đảng, người đứng đầu cấp ủy phải gương mẫu tự phê bình và phê bình trước. Mọi khuyết điểm của tập thể phải được làm rõ, tránh để xảy ra tình trạng tập thể cấp ủy, tổ chức đảng vi phạm khuyết điểm nhưng không có cấp ủy viên, đảng viên nào chịu trách nhiệm.

         Thứ ba, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng cần phối hợp thực hiện tốt từ khâu thẩm tra, xác minh và đưa ra những chứng cứ, chứng minh xác thực, thuyết phục, buột đối tượng vi phạm phải “tâm phục, khẩu phục”, thành khẩn tự phê bình. Mọi khuyết điểm, vi phạm của cán bộ, đảng viên sau khi được thanh tra, kiểm tra kết luận phải xử lý nghiêm túc, đúng quan điểm, quy định và phải được công khai để cán bộ, đảng viên, nhân dân biết.

         Thứ tư, đưa thực hiện tự phê bình và phê bình thành nề nếp thường xuyên trong các đợt kiểm điểm. Nội dung kiểm điểm làm rõ trách nhiệm xây dựng cơ quan, đơn vị, địa phương, tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh; kiểm điểm mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao; ý thức chấp hành chỉ thị, nghị quyết, các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng. Coi trọng đúng mức việc phát động quần chúng nhân dân phát hiện, phản ảnh những việc làm sai trái, góp ý phê bình cán bộ, đảng viên và thường xuyên lấy ý kiến của quần chúng góp ý xây dựng đảng bằng nhiều hình thức thích hợp, có hiệu quả thiết thực.

          Thứ năm, việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình cần có quy chế thích hợp để động viên những cán bộ, đảng viên thành khẩn và tích cực sửa chữa vi phạm, khuyết điểm; khuyến khích và bảo vệ người dám đấu tranh góp ý, tố cáo đúng; đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp có vi phạm, khuyết điểm nhưng vẫn cố tình quanh co, che giấu, những trường hợp trù dập hoặc lợi dụng góp ý để đả kích, lôi kéo bè phái, nhục mạ và tố cáo sai sự thật.

         Cán bộ, đảng viên qua kiểm điểm tự phê bình và phê bình phải xây dựng kế hoạch khắc phục khuyết điểm một cách cụ thể, rõ ràng và thông báo cho tổ chức đảng hoặc cơ quan nơi công tác biết để theo dõi, giám sát việc khắc phục.

         Thứ sáu, nâng cao nhận thức của mỗi cán bộ, đảng viên coi tự phê bình và phê bình là việc làm thường xuyên, là tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá cán bộ, đảng viên; khắc phục tình trạng cán bộ, đảng viên thiếu tự giác trong tự phê bình và phê bình cố tình che giấu khuyết điểm hoặc phê bình qua loa, làm chiếu lệ, dễ người dễ ra./-


Các tin khác